Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ (Di
sản văn hóa phi vật thể)
(TITC) - Nghệ
thuật Đờn ca tài tử Nam bộ (còn gọi là Đờn ca tài tử) là
loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng của Việt Nam,
được hình thành và phát triển từ cuối thế kỉ 19. Đờn ca
tài tử là nghệ thuật của đờn (đàn) và ca, do những người
bình dân Nam bộ sáng tác để hát chơi sau những giờ lao
động. Chữ “tài tử” có nghĩa là người chơi nhạc có biệt
tài, giỏi về cổ nhạc. Lúc đầu chỉ có đờn, sau xuất hiện
thêm hình thức ca nên gọi là đờn ca.
Đặc điểm nghệ thuật của Đờn ca tài tử
Các bài bản
của Đờn ca tài tử được sáng tạo dựa trên cơ sở nhạc Lễ, nhạc
Cung đình, nhạc dân gian miền Trung và Nam. Các bài bản này
được cải biên liên tục từ 72 bài nhạc cổ và đặc biệt là từ
20 bài gốc (bài Tổ) cho 4 điệu (hơi), gồm: 06 bài Bắc (diễn
tả sự vui tươi, phóng khoáng), 07 bài Hạ (dùng trong tế lễ,
có tính trang nghiêm), 03 bài Nam (diễn tả sự an nhàn, thanh
thoát) và 04 bài Oán (diễn tả cảnh đau buồn, chia ly).
Nhạc cụ
được sử dụng
trong Đờn ca tài tử gồm: đàn
kìm, đàn tranh, đàn cò, đàn tỳ bà, đàn tam (hoặc đàn sến,
đàn độc huyền), sáo, tiêu, song loan... Từ khoảng năm 1930
có thêm đàn ghita phím lõm, violon, ghita Hawaii (đàn
hạ uy cầm).
Người
thực hành Đờn ca tài tử gồm: người dạy đàn (thầy Đờn) có kỹ
thuật đàn giỏi, thông thạo những bài bản cổ, dạy cách chơi
các nhạc cụ; người đặt lời (thầy Tuồng) nắm giữ tri thức và
kinh nghiệm, sáng tạo những bài bản mới; người dạy ca (thầy
Ca) thông thạo những bài bản cổ, có kỹ thuật ca điêu luyện,
dạy cách ca ngâm, ngân, luyến,...; người đờn (Danh cầm) là
người chơi nhạc cụ và người ca (Danh ca) là người thể hiện
các bài bản bằng lời.
Đờn ca
tài tử được thực hành
theo nhóm, câu lạc bộ và gia đình,
ít
khi nhạc công độc tấu, mà thường song tấu, tam tấu, hòa tấu.
Dàn nhạc thường cùng ngồi trên một bộ ván hoặc chiếu để biểu
diễn với phong cách thảnh thơi, lãng đãng, dựa trên khung
bài bản cố định gọi là “lòng bản”. Khán
giả có thể cùng tham gia thực hành, bình luận và sáng tạo.
Đờn ca
tài tử được truyền dạy theo hai hình thức: truyền ngón,
truyền khẩu trực tiếp tại nhà, câu lạc bộ, gia đình, dòng
họ; truyền ngón, truyền khẩu kết hợp với giáo án, bài giảng
tại một số trường văn hóa nghệ thuật địa phương và quốc gia.
Người học đàn cần ít nhất 3 năm để học những kỹ năng cơ bản
như: rao, rung, nhấn,
khảy, búng, phi, vê, láy, day, chớp, chụp…; học chơi độc
chiếc, tam tấu, tứ tấu, ngũ tấu, lục tấu với các nhạc cụ
khác nhau. Người học ca
(đơn ca, song ca) học những bài truyền thống, trên cơ sở đó
sáng tạo cách nhấn nhá, luyến láy tinh tế theo nhạc điệu và
lời ca của bài gốc.
Người miền Nam coi Đờn ca tài tử là sinh hoạt văn hóa tinh thần không thể thiếu trong các dịp lễ hội, tết, giỗ, cưới, sinh nhật, họp mặt,… Lễ giỗ Tổ được tổ chức vào ngày 12/8 âm lịch hàng năm.